Kẻ cười sau cùng là người chiến thắng

Quả tình, nếu nhìn vào 4 hiệp đấu mà Thái Lan và Việt Nam vừa đối đầu nhau ở bán kết AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo không hề kém cạnh so với đối thủ. Hiệp hai của trận lượt đi và hiệp đầu của trận lượt về, nhà vô địch AFF Cup 2018 dồn ép đối thủ nghẹt thở, đá theo tâm thế “cửa trên” hoàn toàn. Chỉ có một điều đáng tiếc duy nhất, đấy là thế trận ấy được diễn ra… khi đội bạn đã thắng trước 2 bàn.

Phải nhìn nhận một cách công bằng rằng ở giải đấu năm nay, đội tuyển Việt Nam cực kỳ thiếu may mắn, từ việc không thể xé lưới Indonesia, cho đến không thể nâng cao tỷ số ở trận gặp Campuchia khi chỉ cần 1 bàn thắng nữa là tránh được Thái Lan, rồi đến hai cú sút đập cột, chạm xà của Quang Hải ở lượt đi bán kết, thêm vào đó là những quyết định bất lợi của trọng tài.

Bị Thái Lan loại đau đớn, liệu thầy trò HLV Park Hang-seo có quyền hiên ngang nở nụ cười? - Ảnh 1.

Nhưng đồng hành với sự đen đủi ấy, phải công nhận rằng thầy trò HLV Park Hang-seo bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tư thế “cửa trên” khi quay về bảo vệ ngôi vô địch Đông Nam Á. Đến như HLV Đoàn Minh Xương, chuyên gia nổi tiếng chừng mực còn phát biểu: “AFF Cup, đội tuyển Việt Nam như sinh viên đại học giờ về học lại cấp hai“.

Quả tình nếu đúng thế, thì “chàng sinh viên đại học” được nhắc đến có lẽ học hơi dốt, hoặc giả các “học sinh cấp hai” giỏi bất ngờ. Những người tin vào “đẳng cấp vượt trội” của đội tuyển Việt Nam liệu có ngờ được kết cục 4 trận gần nhất, Việt Nam chỉ ghi nổi bàn vào lưới Campuchia, khi đây chỉ là đấu trường Đông Nam Á. Có ngờ đến cái kết cục Indonesia bị Việt Nam đá “không khác người lớn đá với trẻ con” ghi tên mình vào chung kết, còn thầy trò HLV Park Hang-seo “bật bãi” từ bán kết.

Nguyên nhân chính là bởi trong khi HLV Park Hang-seo cùng các học trò ưu tú của mình “dĩ bất biến ứng vạn biến”, bởi đã ở “đẳng cấp cao” so với Đông Nam Á, thì các đội bóng khác nỗ lực hết mình để thích nghi với từng trận đấu, từng đối thủ. Nhìn Indonesia chẳng hạn, họ đá “khổ nhục” trước Việt Nam, nhưng khi thành công rồi sẵn sàng bung sức “làm gỏi” Malaysia để đoạt ngôi đầu, trong khi các học trò thầy Park cứ tằng tằng đá “cầm chừng” trước Campuchia, khi tâm trí để mãi ở tận trận chung kết và ngôi vô địch.

Bị Thái Lan loại đau đớn, liệu thầy trò HLV Park Hang-seo có quyền hiên ngang nở nụ cười? - Ảnh 2.

Kẻ nở nụ cười sau cùng mới là người chiến thắng. Nụ cười của thầy Park và các học trò nếu có, cũng chỉ là nụ cười cay đắng khi phải trả giá bằng sự tự phụ quá sớm.

Khóc như thiếu nữ vu quy…

Hiệp đấu đầu tiên của trận bán kết lượt về trước Thái Lan quả là một hiệp đấu “không hối hận” của đội tuyển Việt Nam với sự quyết tâm, tinh thần xả thân của những Hà Đức Chinh, Tấn Tài, Quang Hải, Hoàng Đức… Họ chiếm lĩnh hoàn toàn thế trận, khiến đối thủ phải “thở hắt ra”. Tại sao các học trò của ông Park lại không thi đấu như thế ở trận lượt đi, thậm chí là ở các trận đấu vòng bảng trước các đối thủ yếu hơn?

Là bởi các tiếp cận trận đấu ấy có một điểm yếu, và điểm yếu ấy rất có thể khiến đội tuyển Việt Nam phải trả giá cực đắt ở chính hiệp hai của trận đấu này. Đấy chính là việc phải vắt sức cực độ ở 45 phút đầu tiên sẽ khiến thể lực các cầu thủ sụt giảm thảm hại ở hiệp đấu sau. Nhìn vào các con số thống kê thì rõ. Việt Nam áp đảo, song chỉ kiểm soát bóng có 41,7%, tỷ lệ chuyền bóng thành công cũng kém hơn hẳn (61,1% so với 74,6% của đối phương).

Bị Thái Lan loại đau đớn, liệu thầy trò HLV Park Hang-seo có quyền hiên ngang nở nụ cười? - Ảnh 3.

Những con số ấy cho thấy bóng trong chân các cầu thủ Thái Lan nhiều hơn hẳn khi họ hóa giải sức ép pressing bằng những đường đập nhả ngắn, cũng như những pha giữ bóng và xử lý kỹ thuật. Các cầu thủ Việt Nam mới là những người phải chạy nhiều hơn, đuổi bóng nhiều hơn, tốn sức nhiều hơn.

Cách chơi mà HLV Polking đưa ra cho các cầu thủ Thái Lan chính là cách tiếp cận quen thuộc của HLV Park Hang-seo ở hai trận đối đầu với chính Thái Lan ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Tấn công nhiều hơn hẳn, song Thái Lan bất lực trong việc ghi bàn khi đội tuyển Việt Nam khôn ngoan và bình tĩnh hóa giải bằng việc thoát pressing cực tốt.

Hiệp đấu ấy khiến không ít người hâm mộ phải trầm trồ. Nó đẹp mắt và kích động tinh thần, song đích đến cuối cùng là bàn thắng vẫn còn xa lắm khi đối thủ chủ động sử dụng kế sách thứ 27 trong Tam thập lục kế – rút củi đáy nồi. Kế sách ấy nói rằng trước những thế lực mạnh có ưu thế hơn, nếu vội đối đầu tất sẽ chuốc hậu quả. Trước hết cần phải làm giảm khí thế và suy yếu sức mạnh của đối thủ.

Bị Thái Lan loại đau đớn, liệu thầy trò HLV Park Hang-seo có quyền hiên ngang nở nụ cười? - Ảnh 4.

Đội tuyển Việt Nam không hẳn là “thế lực mạnh có ưu thế hơn” so với Thái Lan, song ra sân với tinh thần “không còn gì để mất”, và thầy trò HLV Polking thì đang giữ trong tay chiếc vé vào chung kết với 2 bàn thắng ghi được ở trận lượt đi. Hà tất họ phải chọn cách đối đầu?

Không thể kiếm nổi bàn thắng ở hiệp đấu đầu tiên, HLV Park Hang-seo phải trả giá ngay ở hiệp đấu sau đấy. Lời biện hộ rằng Công Phượng và Văn Toàn làm sai chỉ đạo, hay việc tung Tuấn Anh vào sân 13 phút rồi rút ra cho thấy ông thầy người Hàn Quốc cực kỳ lúng túng trong việc lựa chọn. Lựa chọn ở đây không phải để chiến thắng hay lội ngược dòng, mà là lựa chọn gỡ gạc lại chút ít danh dự khi “thua thì đã thua rồi”.

Việc chọn lối chơi chuyền dài, câu bổng mà HLV Park Hang-seo cho các học trò thực hiện trong suốt hiệp hai không hẳn là sai lầm, bởi nó giúp cho ông Park giải được bài toán không bị đối thủ ghi bàn, để rồi nhận thêm trận thua.

Bị Thái Lan loại đau đớn, liệu thầy trò HLV Park Hang-seo có quyền hiên ngang nở nụ cười? - Ảnh 5.

HLV người Hàn Quốc này đã tính đúng. Nếu như để thua liền hai trận sẽ là thảm họa khó tránh, thì việc có được một hiệp đấu “rực lửa” trước Thái Lan là đủ để người hâm mộ “mở rộng vòng tay” cho thầy trò ông hướng đến tương lai. Thua không đồng nghĩa với việc phải “cố đấm ăn xôi” để rồi mất tất cả.

Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Thầy Park đã chọn đúng, đơn giản là bởi ông rất hiểu người hâm mộ Việt Nam. Thắng Thái Lan để giành ngôi vương Đông Nam Á nếu dễ thì đội tuyển Việt Nam đã không phải cặm cụi đi suốt 13 năm để vẫn tìm trận thắng đầu tiên ở một giải đấu chính thức sau chung kết AFF Cup 2008. Ghi bàn vào lưới Thái Lan nếu dễ, thì đội tuyển Việt Nam đã không phải chờ mòn mỏi suốt 9 năm qua.

Khóc như thiếu nữ vu quy, cười như anh khóa hỏng thi về làng“, kho tàng thơ ca dân gian Việt Nam có đôi vần thơ dành cho thầy trò HLV Park Hang-seo ngày hôm nay. Chẳng phải Indonesia từng khóc nức nở khi cầm hòa Việt Nam, khóc nức nở khi băng qua “cửa tử” để vượt qua Singapore vào trận chung kết đó sao?

admicroAD.unit.push(function () { admicroAD.show(‘admzonek1fs4xky’) });